Ca hay tháng 02/2017- Thoát biến chứng liệt chân 'ở phút 89' nhờ được cứu chữa kịp thời

23:13, 19/02/2017

Các bác sĩ bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP.HCM đã tận tình phân tích cho 1 bệnh nhân không chịu mổ nhận thấy nguy cơ liệt chân để người này đồng ý mổ. 

Vết thương kín khó nhận ra

Hiện tại, chị Kim Thị Mộng T. (SN 1977, quê tỉnh Bến Tre) phải nằm sấp để điều trị vết thương ở chân nhưng nét mặt chị đã tươi tắn hẳn. Chị cho biết ngày mới nhập viện chị vừa đau, vừa lo lắng biến chứng những vết thương và sợ nhất là liệt chân. Điều may mắn nhất của chị là được bác sĩ phát hiện và kịp thời cứu chữa.

Bác sĩ Khương Thiện Nhơn đang thăm khám cho bệnh nhân T.

Chị T. kể lại: “Chiều ngày 1/2, tôi từ Bến Tre đi xe máy về Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) chúc tết. Khi đi đến đường Hương Lộ 2 (quận Bình Tân, TP.HCM), tôi bị lạc đường. Lúc ấy, tôi chỉ lo ngó bảng chỉ dẫn đường coi về tới đâu nên không may đụng vào mấy cây sắt nhỏ giữa đường. Sau đó, tôi ngã xuống đường, tưởng nhẹ nhưng không ngờ lúc đứng lên thì đứng không nổi. Tay tôi đau điếng, giữa đường chỉ biết khóc. May mà người dân đưa vào lề đường rồi đứa em đưa tôi đi bệnh viện quận Bình Tân cấp cứu”.

Chị T. cho biết khi vào bệnh viện quận Bình Tân, các bác sĩ sơ cứu sau đó chuyển chị lên bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP.HCM. Lúc đó, chị nghĩ rằng vết thương của mình chắc là nặng lắm nên rất lo lắng. Hơn nữa, vết thương ở tay và chân đau điếng khiến chị T. càng sợ tình trạng thương tật nặng, phải tốn nhiều tiền điều trị.

Thấy vậy, các bác sĩ bệnh viện đã khuyên nhủ, trấn an tinh thần chị T. Bác sĩ Khương Thiện Nhơn, bác sĩ chuyên khoa II, bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP.HCM, cho biết: “Bệnh nhân được chuyển đến bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP.HCM lúc 21h30 ngày 1/2. Khi bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân T., tay phải bệnh nhân khó cử động, tỏ ra rất đau đớn. Chân của bệnh nhân có cảm giác tê, đau ở nhiều vùng và không tự đứng được. Tuy nhiên, bệnh nhân hoàn toàn tỉnh táo, không có dấu hiệu chấn thương vùng đầu”.

“Các bác sĩ trong kíp trực thăm khám rất kỹ lưỡng và không phát hiện ra có dấu hiệu bất thường nào vùng mặt, cổ, ngực, bụng của bệnh nhân. Chỉ có hai điểm đáng lưu ý đó là vai phải biến dạng, không cử động được khớp vai. Đầu gối chân phải sưng nhẹ, trục đùi cẳng chân hơn 15 độ, vùng khoeo có vết bầm. Ấn vào vị trí bị thương ở chân thì bệnh nhân đau chói lồi cầu trong xương đùi, không cử động được gối. Mạch mu chân và chày sau không bắt được, bàn chân lạnh…”, bác sĩ Nhơn cho biết thêm.

Suýt bị biến chứng liệt chân

Cho đến bây giờ, chị T. vẫn còn chưa tin mình lại bị nặng như vậy. Nếu như lúc đầu, gia đình chị kiên quyết không chịu mổ chân, chắc chân chị sẽ trở nặng dẫn đến biến chứng hoại tử, liệt chân. May mắn, các bác sĩ nhiệt tình tư vấn khiến gia đình thông hiểu và đồng ý cho chị T. mổ chân.

Vết bầm trên chân chị T. trước khi được mổ.

Chị T. cho biết: “Gia đình tôi cứ nghĩ té chỉ bầm có chút ở chân là do chấn thương phần mềm, chỉ cần về ít ngày là bình phục. Bác sĩ khám thấy nặng bảo mổ, nhưng gia đình vẫn còn lưỡng lự. Về sau, tôi thấy chân mình lạnh ngắt, không cử động được nên quả quyết mổ theo lời bác sĩ. Khi mổ xong, đến lúc tỉnh, tôi thấy đúng là nguy hiểm thật, nếu chẳng may không phát hiện ra hoặc không chịu cứu chữa kịp thì có thể tôi đã bị liệt”.

Bệnh nhân T. nhanh chóng được siêu âm mạch máu chân phải cũng như các xét nghiệm tiền phẫu. Kết quả siêu âm chân phải: Mất tín hiệu Doppler đoạn dưới chân phải dẫn đến chèn ép động mạch khoeo phải. Kíp trực khẩn trương đưa bệnh nhân vào phòng mổ cấp cứu. Bệnh nhân được nắn trật khớp vai phải và đeo đai vai chi trên.

Bác sĩ Khương Thiện Nhơn là người trực tiếp mổ cho bệnh nhân T. cho biết: “Sau khi bệnh nhân được gây tê tủy sống, các bác sĩ thăm khám lại gối phải ghi nhận gối phải mất vững đa hướng (trước, sau và trong, ngoài). Lúc này, các bác sĩ nhanh chóng quyết định cố định khớp gối phải của bệnh nhân trước khi thám sát mạch máu. Đây là quyết định hết sức đúng đắn và quan trọng vì sau nối ghép mạch máu vùng khoeo (nếu có), các đầu xương lỏng lẻo có thể ảnh hưởng đến các đầu nối vi phẫu, dẫn đến thất bại. Khớp gối phải của bệnh nhân được cố định bằng 2 đinh Steinmann dưới hướng dẫn của màn tăng sáng. Sau đó bệnh nhân được nằm sấp để thám sát mạch khoeo”.

Đoạn động mạch khoeo bị dập tắc.

Sau bộc lộ qua lớp da và mô dưới da, các bác sĩ không bất ngờ khi thấy phần mềm vùng gối trở nặng. Cụ thể cơ, dây chằng, bao khớp bị dập rất nặng nề, đặc biệt động mạch khoeo bị dập tắc hoàn toàn một đoạn 3cm. Các bác sĩ tiến hành cắt bỏ đoạn dập và lấy tĩnh mạch hiển lớn chân đối bên để nối ghép vào chỗ dập.

Bác sĩ Nhơn cho biết: “Sau 2 giờ rưỡi phẫu thuật căng thẳng, kíp mổ rất vui mừng khi động mạch khoeo được thông nối tốt, kiểm tra mạch mu chân và chày sau đều rõ. Ca mổ kết thúc lúc 3h15 sáng ngày 2/2/2017. Bệnh nhân được làm nẹp bột đùi bàn chân và chuyển hồi sức. Sau mổ tổng trạng bệnh nhân ổn và được chuyển khoa Vi Phẫu để tiếp tục theo dõi”.

Bài học về sự tận tâm

Trao đổi với PV, bác sĩ Võ Hòa Khánh, bác sĩ chuyên khoa II, điều hành phòng Quản lý chất lượng bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP.HCM cho biết: “Biểu hiện của bệnh nhân trong trường hợp này là đau vai, khớp vai bị lệch, bệnh nhân chỉ chú ý đến vùng bị thương ở vai. Nếu bác sĩ không kỹ lưỡng thì có thể chỉ nắn khớp vai và bỏ sót động mạch khoeo dẫn đến việc chân bệnh nhân có biến chứng nguy hiểm. Trường hợp này cũng là bài học cho các bác sĩ trẻ về sự tận tâm và kỹ lưỡng đối với bệnh nhân”.

Xem thêm tại đây http://www.nguoiduatin.vn/thoat-bien-chung-liet-chan-o-phut-89-nho-duoc-cuu-chua-kip-thoi-a315566.html


Bs Nhuận - Bs Nhơn - Phòng QLCL
Nguồn: PV Hoàng Minh - Báo điện tử nguoiduatin.vn
TAG:
Ý kiến của bạn