Khi chưa có vắc xin, phòng bệnh sốt xuất huyết sao cho hiệu quả?

08:49, 09/06/2020

Sốt xuất huyết cho đến nay không còn xảy ra theo chu kỳ mà lưu hành quanh năm, đe dọa trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng.

866


Sốt xuất huyết người lớn rất nguy hiểm, một trường hợp sốt xuất huyết điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố.

Lưu ý với phụ nữ mang thai, trẻ nhũ nhi, béo phì

Dịch sốt xuất huyết vẫn luôn vẫn tiềm ẩn nguy cơ phát sinh bệnh bất kỳ lúc nào. Bác sĩ Nguyễn Bạch Huệ, Trưởng Khoa Nhi - Bệnh viện Quốc tế City, lưu ý trẻ nhũ nhi một khi mắc sốt xuất huyết thường nặng hơn, nhất là trẻ béo phì. "Trẻ nhũ nhi dưới 1 tuổi nếu bị sốt xuất huyết diễn tiến thường nặng hơn những trẻ thường. Những trẻ bụ bẫm, béo phì phải theo dõi kỹ hơn. Phụ huynh thường không nghĩ trẻ nhũ nhi dưới 1 tuổi sẽ bị mắc bệnh, thường bỏ sót đến khi nặng thì khó khăn cho điều trị", bác sĩ Huệ cho biết thêm.

Phó giáo sư - Bác sĩ Phạm Văn Quang, Trưởng khoa Hồi sức tích cực – Chống độc – Bệnh viện Nhi Đồng, nơi điều trị nhiều trường hợp sốt xuất huyết nặng, lưu ý trong mùa này phải hết sức cảnh giác về bệnh sốt xuất huyết. "Đây là một dịch bệnh hiện lưu hành quanh năm, đặc biệt ở các tỉnh phía Nam, cho nên hằng năm thường có số ca mắc sốt xuất huyết cao. Có nhiều trường hợp tử vong nếu điều trị trễ, điều trị không thích hợp. Mọi người cần biết, không có lăng quăng sẽ không có muỗi, và từ đó sẽ không có sốt xuất huyết. Nếu chẳng may bị sốt 3 ngày trở lên phải nghĩ đến sốt xuất huyết, cần đi khám để xác định bệnh và có phương án điều trị kịp thời", bác sĩ Quang lưu ý.

Bác sĩ Dương Hồng Phúc, Bệnh viện Quận Thủ Đức – cũng khuyến cáo phụ nữ mang thai, vì đây là đối tượng nguy cơ cao khi mắc sốt xuất huyết, ảnh hưởng rất lớn về mặt sức khỏe cả mẹ và bé. Do vậy, thai phụ khi thấy triệu chứng sốt trong thời điểm hiện nay phải lập tức đến bệnh viện khám, làm xét nghiệm. Tuyệt đối không tự ý đi mua thuốc về uống.

Diệt muỗi, lăng quăng, bọ gậy và phòng muỗi đốt

Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng – Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Thành phố khuyến cáo: "Chúng ta dành 15 hay 20 phút mỗi tuần để dọn dẹp tất cả vật dụng hay ổ chứa nước có lăng quăng. Nếu mỗi tuần chúng ta đều làm thì cả tuần sẽ không có muỗi và nếu không có muỗi thì không thể nào có bệnh sốt xuất huyết được".

Nguy cơ gây dịch sốt xuất huyết vẫn luôn xuất hiện trong môi trường xung quanh nơi người dân sinh sống, làm việc, học tập. Vì vậy, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Thành phố tiếp tục thực hiện nội dung trong kế hoạch phối hợp liên tịch, cũng như các giải pháp truyền thông thay đổi hành vi, kiểm soát nguy cơ gây dịch sốt xuất huyết là rất cần thiết.

Bên cạnh đó, ý thức tự phòng bệnh của người dân luôn là yếu tố quyết định việc kiểm soát thành công bệnh sốt xuất huyết. Sự cảnh giác cao độ với bệnh tật sẽ giúp chủ động phòng tránh những rủi ro về sức khỏe cho bản thân, gia đình cũng như cộng đồng. Vậy nên, tâm thế chủ động cảnh giác đề phòng bệnh luôn là hành động sáng suốt trong bối cảnh dịch bệnh chưa có vắc xin phòng ngừa.

 

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố

 
 

Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình
TAG:
Ý kiến của bạn