THÁNG 03:VIRUS ZIKA-SỞI-RUBELLA VÀ SỐT BẠI LIỆT

06:17, 02/03/2016

SỞ Y TẾ THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

TRUNG TÂM TRUYỀN THÔNG – GIÁO DỤC SỨC KHỎE

 

 

Bệnh do vi-rút Zika

Đến nay, Việt Nam vẫn chưa ghi nhận trường hợp nhiễm vi-rút Zika cũng như chưa phát hiện sự lây truyền vi-rút Zika tại cộng đồng. Tuy nhiên, trong bối cảnh các nước trong khu vực đã ghi nhận các trường hợp mắc bệnh do vi-rút Zika xâm nhập hoặc có sự lây truyền vi-rút Zika như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines, đặc biệt là Campuchia, Lào, Trung Quốc là những nước có chung đường biên giới với nước ta, do đó, nguy cơ vi-rút Zika xâm nhập vào nước ta và bùng phát thành dịch là rất lớn. Đồng thời, hiện nay bệnh vẫn chưa có vắc-xin phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu cũng như chưa có các test nhanh giúp chẩn đoán bệnh. Đáng lo ngại hơn là tại Việt Nam, muỗi vằn – trung gian truyền bệnh do vi-rút Zika và sốt xuất huyết Dengue rất phổ biến.

Do đó, biện pháp hiệu quả nhất cần thực hiện là truyền thông cho cộng đồng hiểu rõ tầm quan trọng của việc diệt muỗi, diệt lăng quăng để loại trừ trung gian truyền bệnh. Bên cạnh đó, người dân cần hạn chế đi đến vùng dịch khi không cần thiết, người trở về từ vùng dịch tự theo dõi sức khỏe, khi có dấu hiện nghi ngờ (như sốt, phát ban, viêm kết mạc, đau khớp, đau cơ…) cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và điều trị kịp thời. Đồng thời, các đơn vị y tế cần tăng cường giám sát chặt chẽ các hành khách nhập cảnh từ các quốc gia đang có dịch; giám sát chặt chẽ tại các cơ sở khám chữa bệnh, nhằm phát hiện sớm các trường hợp bệnh xâm nhập, xử lý triệt để ổ dịch, tránh lây lan ra cộng đồng.

 

 

 

SỞ Y TẾ THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

TRUNG TÂM TRUYỀN THÔNG – GIÁO DỤC SỨC KHỎE

Bệnh Sởi và bệnh Rubella

Sởi và Rubella là những bệnh do vi-rút lây truyền qua đường hô hấp, có khả năng lây lan nhanh và gây dịch lớn. Bệnh Sởi là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ nhỏ do các biến chứng viêm phổi, viêm não, tiêu chảy nặng và suy dinh dưỡng. Bệnh Rubella phần lớn có biểu hiện nhẹ, tuy nhiên khi bà mẹ mắc bệnh trong giai đoạn đầu mang thai, bệnh sẽ gây hậu quả nguy hiểm cho thai nhi như sảy thai, thai chết lưu, đẻ non hoặc dị tật thai nhi. Trẻ sinh ra từ các bà mẹ này có nguy cơ cao mắc hội chứng Rubella bẩm sinh với nhiều dị tật nghiêm trọng như dị tật tim, điếc, đục thủy tinh thể, chậm phát triển…

Những năm gần đây, Tp. Hồ Chí Minh cũng như các địa phương khác trong cả nước đã ghi nhận nhiều vụ dịch Rubella xảy ra. Cũng như bệnh Sởi, bệnh Rubella có thể phòng ngừa được bằng vắc-xin. Vắc-xin Rubella được đánh giá là an toàn và có hiệu quả cao. Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo sử dụng vắc-xin phối hợp Sởi-Rubella (MR) tại những nước mà Rubella được đánh giá là vấn đề sức khỏe ưu tiên. Việc triển khai chiến dịch tiêm vắc xin Sởi - Rubella cho cho đối tượng 16 – 17 tuổi sẽ góp phần lớn giảm gánh nặng bệnh Rubella và hội chứng Rubella bẩm sinh, góp phần rất quan trọng để Việt Nam đạt mục tiêu loại trừ bệnh sởi của khu vực Tây Thái Bình Dương vào năm 2017 và bệnh Rubella trong tương lai.

Screen_Shot_2016-10-24_at_6.30.40_AM

 

SỞ Y TẾ THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

TRUNG TÂM TRUYỀN THÔNG – GIÁO DỤC SỨC KHỎE

 

Bệnh bại liệt

Bệnh bại liệt là bệnh ở trẻ em, trẻ mắc bệnh thường để lại di chứng tàn tật suốt đời. Cùng với các nước khu vực Tây Thái Binh Dương, Việt Nam đã thanh toán bại liệt từ năm 2000. Tuy nhiên trong năm 2015, các nước xung quanh Việt Nam đã ghi nhận một số trường hợp mắc bại liệt ở trẻ 1-8 tuổi tại những vùng có tỷ lệ tiêm chủng thấp, tất cả các trường hợp này đều có tiền sử chưa được uống vắc-xin bại liệt và đã có trường hợp tử vong. Do đó, để chủ động tích cực phòng chống bệnh bại liệt xâm nhập và bảo vệ thành quả thanh toán bệnh bại liệt, Bộ Y tế đã phát động chiến dịch uống bổ sung vắc-xin bại liệt (OPV) cho trẻ dưới 5 tuổi tại một số vùng nguy cơ cao. Tại Tp.HCM, Sở Y tế đã chỉ đạo triển khai uống vắc-xin OPV bắt đầu từ tháng 3/2016 cho trẻ sinh từ ngày 1/1/2010 đến 31/12/2015 tại 7 quận/huyện của thành phố là Quận 12, Gò Vấp, Hóc môn, Thủ Đức, Bình Chánh, Tân Phú Bình Tân. Chỉ cho trẻ uống vắc-xin OPV của chiến dịch nếu trong vòng 1 tháng qua trẻ không uống hoặc tiêm vắc-xin bại liệt. Mỗi trẻ còn lại sẽ được uống 2 liều vắc-xin, mỗi liều cách nhau tối thiểu 1 tháng, không kể tiền sử đã được uống hoặc tiêm vắc-xin phòng bại liệt trước đó.

Chiến dịch được triển khai theo 02 hình thức: Uống tại trường học, nhà trẻ, mẫu giáo cho trẻ đi học và uống tại Trạm y tế phường/xã cho trẻ không đi học hoặc chưa được uống tại trường. Để chiến dịch đạt được kết quả tốt nhất, rất cần có sự phối hợp của nhà trường, chính quyền địa phương và các đơn vị truyền thông cùng với ngành y tế kêu gọi sự đồng thuận của các bậc phụ huynh cho trẻ uống vắc-xin vì sức khỏe và tương lai của trẻ.

 


admin
TAG:
Ý kiến của bạn

Giới hạn tin theo ngày :