THÁNG 06: SỐT RÉT-SỐT XUẤT HUYẾT-TAY CHÂN MIỆNG

06:34, 01/06/2016

 

 

SỞ Y TẾ THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

TRUNG TÂM TRUYỀN THÔNG – GIÁO DỤC SỨC KHỎE

 

BỆNH SỐT RÉT

Tại Việt Nam, năm 2015 ghi nhận trên 19 nghìn trường hợp mắc và 3 trường hợp tử vong do sốt rét. Sốt rét vẫn còn diễn biến phức tạp ở một số tỉnh trọng điểm thuộc khu vực miền Trung - Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ. Hiện nay, công tác phòng, chống bệnh sốt rét đang gặp nhiều thách thức như:

  • Sốt rét tập trung tại những địa bàn còn gặp nhiều khó khăn về kinh tế xã hội và người dân còn có nhận thức hạn chế về phòng ngừa sốt rét.
  • Sự gia tăng tình trạng di biến động dân cư từ vùng không có lưu hành sốt rét vào vùng lưu hành sốt rét, giao lưu, đi lại của lao động của Việt Nam đến các quốc gia có lưu hành sốt rét như châu Phi, Lào, Campuchia… làm gia tăng nguy cơ mắc và lan rộng sốt rét và ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc tại Việt Nam.
  • Tình trạng người dân ngủ rừng, ngủ rẫy, công nhân, lao động tại các vùng sốt rét lưu hành chưa được quản lý và tiếp cận đầy đủ về các biện pháp phòng ngừa sốt rét.

Bệnh sốt rét là bệnh truyền nhiễm gây ra bởi ký sinh trùng sốt rét Plasmodium, do trung gian muỗi Anopheles chích (đốt) người bệnh truyền sang người lành. Từ 10 đến 15 ngày sau khi bị muỗi chích, người bệnh có dấu hiệu rét run, sốt, đau đầu, nôn ói. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh sẽ nhanh chóng phát triển và đe dọa tính mạng bằng cách gây cản trở cung cấp máu đến các cơ quan quan trọng.

Do đó, để triển khai hiệu quả công tác phòng, chống sốt rét, các đơn vị y tế cần truyền thông cho người dân các biện pháp phòng bệnh chủ động. Đồng thời, tập trung các hoạt động giám sát tại các khu vực trọng điểm; quản lý chặt chẽ nhóm đối tượng di biến động, cấp thuốc tự điều trị cho người đi rừng, ngủ rẫy; tăng cường giám sát, báo cáo ca bệnh, giám sát muỗi truyền bệnh; bảo đảm người bị bệnh sốt rét và người có nguy cơ mắc bệnh sốt rét được tiếp cận với các dịch vụ chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời.

Phòng chống bệnh sốt rét cũng như các bệnh truyền nhiễm khác, chỉ riêng ngành y tế sẽ không thể giải quyết được vì nó liên quan nhiều đến các yếu tố kinh tế, xã hội, môi trường, chính vì thế rất cần có sự phối hợp và hỗ trợ của chính quyền, ban ngành và nhiều lĩnh vực khác nhau; cùng với đẩy mạnh công tác xã hội hóa phòng chống sốt rét.

Ngoài ra, tiếp tục tăng cường truyền thông, giám sát các dịch bệnh cúm, thủy đậu, quai bị, sởi, viêm não, MERS-CoV, sốt xuất huyết do vi-rút Ebola… phát hiện và xử lý kịp thời không để dịch bệnh lan rộng

 

 

SỞ Y TẾ THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

TRUNG TÂM TRUYỀN THÔNG – GIÁO DỤC SỨC KHỎE

BỆNH SỐT XUẤT HUYẾT DENGUE

 

Thời tiết mưa nắng thất thường như hiện nay tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi sinh sản và phát triển, do đó, diệt lăng quăng và diệt muỗi có thể chủ động phòng ngừa được những bệnh lây truyền do muỗi đốt như Sốt xuất huyết Dengue, bệnh do vi-rút Zika, viêm não vi-rút, viêm não nhật Bản và Sốt rét.

Mặc dù, số trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết Dengue tại Tp. Hồ Chí Minh giảm nhẹ trong những tháng vừa qua, tuy nhiên, dịch vẫn có thể bùng phát trở lại. Hiện nay, số trường hợp mắc bệnh vẫn tập trung chủ yếu tại những nơi có chỉ số lăng quăng trong các vật chứa nước rất cao nhưng lại rất khó tiếp cận và kiểm soát triệt để như các khu vực nhà trọ, ký túc xá, công trình xây dựng, nhà chùa, trường học, khu chợ, bãi đất trống, bãi phế liệu, khu vực có chăn nuôi gia cầm, gia súc…

Để chủ động phòng chống bệnh sốt xuất huyết trong thời gian tới, 24 quận/huyện trên địa bàn thành phố cần triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh sốt xuất huyết lồng ghép phòng, chống bệnh do vi-rút Zika như tổ chức tổng vệ sinh kết hợp với diệt lăng quăng như dọn dẹp các vật thải quanh khu vực sinh sống, kiểm soát những ổ lăng quăng mới phát sinh rải rác nhiều nơi và xử lý triệt để không để bùng phát dịch vào mùa mưa sắp tới. Bên cạnh đó, các đơn vị y tế cần phối hợp với các Ban ngành, đoàn thể để tăng cường giám sát và xử lý triệt để các điểm nguy cơ, tổ chức chiến dịch diệt lăng quăng hàng tuần.

Đồng thời, các đơn vị y tế của 24 quận/huyện cùng các Ban ngành, đoàn thể cần triển khai các hoạt động hưởng ứng chiến dịch “Ngày ASEAN phòng chống Sốt xuất huyết 15/6/2016” với chủ đề “Cộng đồng chung tay: đẩy lùi sốt xuất huyết, thành công bền vững”.

 

 

SỞ Y TẾ THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

TRUNG TÂM TRUYỀN THÔNG – GIÁO DỤC SỨC KHỎE

 
 

BỆNH TAY CHÂN MIỆNG

Theo chu kỳ của bệnh Tay chân miệng, Tp. Hồ Chí Minh đang vào thời kỳ cao điểm của dịch bệnh từ tháng 3 đến tháng 6, do đó số trường hợp mắc bệnh tăng liên tục trong tháng vừa qua và hiện chưa ghi nhận trường hợp tử vong nào. Tuy nhiên, trước nguy cơ dịch chồng dịch, các đơn vị y tế cần tăng cường giám sát chặt chẽ, phối hợp ngành giáo dục giám sát và báo cáo bệnh truyền nhiễm tại trường học, phát hiện sớm chùm ca bệnh tại cộng đồng cũng như tại trường học, các nhóm trẻ gia đình để kịp thời hỗ trợ, phối hợp với trường học xử lý vệ sinh khử khuẩn, không để dịch bùng phát và lây lan.

Hiện nay, bệnh tay chân miệng vẫn lưu hành do nhiều yếu tố như khả năng đáp ứng miễn dịch, trẻ mắc lại bệnh nhiều lần với các týp vi-rút khác nhau, nhưng việc thực hiện các hành vi phòng bệnh không thường xuyên là một trong những yếu tố chính làm dịch vẫn lưu hành và có thể bùng phát vì trẻ thường bị nhiễm bệnh qua tiếp xúc từ người lớn là người lành mang trùng. Bên cạnh đó, ý thức của người dân, điều kiện vệ sinh cá nhân và môi trường còn chưa tốt.

Do vậy, để phòng, chống bệnh Tay chân miệng có hiệu quả, cần tăng cường các hoạt động truyền thông tại cộng đồng, vận động sự đồng thuận của cha mẹ học sinh và toàn xã hội trong việc “Không cho trẻ bệnh đến trường”. Đồng thời, hướng dẫn hộ gia đình có trẻ dưới 5 tuổi biện pháp vệ sinh khử khuẩn để phòng bệnh và nhấn mạnh truyền thông các thông điệp sau:

  • Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng cho trẻ và người chăm sóc trẻ.
  • Thường xuyên vệ sinh nhà cửa (khử khuẩn đồ dùng, nhà cửa bằng các hóa chất khử khuẩn thông thường như xà phòng, nước javel).

Trẻ mắc bệnh có thể được theo dõi và chăm sóc tại nhà và tái khám định kỳ, đồng thời cần chú ý phát hiện các dấu hiệu cảnh báo (sốt trên 39°C hay sốt trên 2 ngày; ói nhiều; bỏ ăn hoặc bỏ bú; run chi, lừ đừ, ngủ hay giật mình chới với, hốt hoảng; thở bất thường; chân tay lạnh, mạch nhanh) và phải đưa ngay trẻ đến các cơ sở y tế

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


admin
TAG:
Ý kiến của bạn

Giới hạn tin theo ngày :