THÁNG 07: BỆNH NÃO MÔ CẦU-SỐT VÀNG DA

06:46, 04/07/2016

BỆNH DO NÃO MÔ CẦU

 

Tại Việt Nam trong giai đoạn 2001 – 2011, mỗi năm có khoảng 650 trường hợp mắc viêm màng não do não mô cầu. Đến nay, bệnh đã có xu hướng giảm nhiều, tuy nhiên trong năm 2015 và những tháng đầu năm 2016, Tp. HCM đã ghi nhận một số trường hợp mắc bệnh rải rác, trong đó đã có một trường hợp tử vong. Với diễn biến nhanh và nhiều biến chứng nguy hiểm, bệnh do Não mô cầu tiềm ẩn nhiều nguy hại đối với sức khỏe và tính mạng của cả trẻ em và người lớn nếu không có các biện pháp phòng ngừa hiệu quả.

 

       Do đó, để chủ động phòng, chống bệnh do Não mô cầu, Sở Y tế đề nghị các Trung tâm y tế dự phòng quận/huyện tăng cường các hoạt động giám sát, phát hiện sớm để dịch bệnh không lan rộng; tăng cường truyền thông các biện pháp phòng bệnh chủ động cho người dân, vận động người dân đi tiêm chủng phòng bệnh tại các cơ sở y tế đủ điều kiện tiêm chủng; các cơ sở khám chữa bệnh tổ chức tốt chẩn đoán, phát hiện sớm, thu dung, cách ly, điều trị, hạn chế biến chứng và tử vong, đồng thời chống lây nhiễm chéo trong các cơ sở điều trị.

BỆNH SỐT VÀNG

Bệnh Sốt vàng là bệnh nhóm A (nhóm bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm theo luật Phòng chống Bệnh truyền nhiễm). Bệnh lây truyền từ người sang người chủ yếu do muỗi Aedes aegypti bị nhiễm vi-rút đốt. Đây cũng là loài muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết và bệnh do vi rút Zika. Riêng từ đầu năm 2016 đến nay, bệnh sốt vàng đã xuất hiện tại hơn 40 quốc gia, chủ yếu ở các nước khu vực Trung Phi và Nam Mỹ. Ngay tại quốc gia láng giềng của nước ta là Trung Quốc cũng đã ghi nhận 11 trường hợp mắc bệnh sốt vàng. Bệnh sốt vàng hoàn toàn có thể xâm nhập vào Việt Nam thông qua người hợp tác lao động, người đi du lịch về nước, du khách nước ngoài từ các quốc gia đang có dịch.

Dấu hiệu của bệnh bao gồm sốt, ớn lạnh, đau đầu, đau lưng, đau cơ, buồn nôn và nôn, mệt mỏi và suy nhược. Tuy nhiên, khoảng 15% trường hợp bệnh, sau khoảng một ngày thuyên giảm, bệnh chuyển sang giai đoạn nặng có nhiễm độc biểu hiện bằng các dấu hiệu: sốt tái phát, đau bụng và tổn thương gan bắt đầu gây vàng da. Nếu tình trạng này xảy ra thì có nguy cơ gây chảy máu, suy gan, suy thận, sốc và có thể tử vong. Bệnh có tỷ lệ tử vong khoảng 20 – 50%. Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, sử dụng vắc-xin phòng bệnh sốt vàng là biện pháp phòng ngừa hiệu quả nhất và cho miễn dịch phòng sốt vàng suốt đời. Vắc-xin bệnh sốt vàng là vắc-xin sống giảm độc lực, được khuyến khích đối với người từ 9 tháng tuổi trở lên đi đến hoặc sinh sống tại các khu vực có nguy cơ truyền vi-rút sốt vàng.

Các biện pháp phòng bệnh sốt vàng hiện nay được khuyến cáo đó là ngăn chặn muỗi sinh sôi, phát triển; diệt lăng quăng, diệt muỗi và tránh bị muỗi đốt. Để ngăn chặn muỗi sinh sôi và phát triển, mỗi gia đình cần đậy kín các dụng cụ chứa nước, lật úp các vật dụng không sử dụng có khả năng đọng nước; súc rửa vật chứa nước, thay nước bình hoa mỗi tuần; bỏ muối vào các chân chén nước kê tủ; loại bỏ và thu gom các vật phế thải xung quanh nhà. Mọi người có thể tránh bị muỗi đốt bằng các cách như sử dụng các loại kem, thuốc xịt chống muỗi, mặc quần áo dài tay; ngủ mùng cả ban ngày lẫn ban ban đêm,...Ngoài ra, mỗi gia đình có thể sử dụng các bình xịt để diệt muỗi và phối hợp với hoạt động phun hóa chất diệt muỗi của ngành y tế.

Ngoài ra, Bộ Y tế khuyến cáo người dân, đặc biệt là những người đi/đến vùng dịch thực hiện tốt các nội dung sau:

  • Người đến quốc gia khu vực châu Phi và Nam Mỹ chủ động đến cơ sở y tế để tiêm vắc-xin phòng bệnh sốt vàng ít nhất 10 ngày trước khi đi/đến vùng có dịch.
  • Khi đến, ở trong vùng dịch tại các nước đang có dịch cần thực hiện các biện pháp phòng phòng muỗi đốt và diệt muỗi, lăng quăng theo hướng dẫn của nước sở tại.

Hành khách từ các nước đang có dịch về Việt Nam nên chủ động theo dõi sức khỏe ít nhất 7 ngày sau khi trở về; nếu có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh, hãy đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời


admin
TAG:
Ý kiến của bạn

Giới hạn tin theo ngày :