THOÁI HÓA KHỚP GỐI

22:43, 01/11/2019

THOÁI HÓA KHỚP GỐI

BsCKII Võ Hòa Khánh

Trưởng phòng Quản lý Chất lượng

 

Định nghĩa 

•  Thoái hoá khớp gối là một bệnh thường gặp trong các bệnh lý thoái hoá cơ xương khớp và là bệnh khiến bệnh nhân phải đến khám và điều trị, đây là bệnh mãn tính kéo dài từ từ ảnh hưởng đến chức năng đi lại và dẫn đến tàn tật, đây là hậu quả của hai quá trình tác động cơ học và sinh học làm mất cân bằng quá trình tổng hợp và phá hủy các tế bào sụn khớp, chất gian bào và xương dưới sụn 

•  Thoái hoá khớp gối còn tác động đến tất cả các mô quanh khớp: màng hoạt dịch, túi hoạt dịch, bao khớp... 

•  Đau và gai xương là những biểu hiện đặc trưng của thoái hoá khớp gối 

Triệu chứng của thoái hoá khớp gối

  • Triệu chứng thường gặp nhất đó là đau vùng khớp gối
  • Đau là do viêm bao hoạt dịch, do rách sụn chêm, co rút bao khớp, căng, co rút hoặc rách, đứt dây chằng chéo
  • Đau nhức ở vùng khớp gối, cơn đau có thể âm ỉ hoặc dữ dội, bệnh nhân thường cảm thấy đau hơn khi vận động hoặc thay đổi tư thế.
  • Bệnh nhân có thể có cảm giác cứng khớp gối, nhất là khi ngủ dậy, phải vận động, xoa bóp mới vận động được.
  • Cử động khớp gối khó khăn, hạn chế co duỗi hay nhấc chân khiến bệnh nhân đi lại không vững, dễ dẫn đến té ngã.
  • Khi đi lại, bệnh nhân cảm thấy khớp phát ra tiếng kêu lạo xạo, lục khục rất khó chịu.
  • Khớp gối có thể sưng do tràn dịch bên trong khớp gối 
  • Giai đoạn nặng, khớp bị biến dạng, cơ xung quanh khớp bị teo gây mất thẩm mỹ, bệnh nhân có thể không đi lại được hoặc đi lại khó khăn, chân bị vẹo trục

Hình ảnh X quang trong thoái hóa khớp gối

  • Hình ảnh gai xương 
  • Gai xương thường hình thành ở rìa khớp do sự phân bố mạch máu vùng tuỷ xương dưới sụn, dị sản sụn xương mô liên kêt hoạt mạc, cốt hoá chồi sụn 
  • Hình ảnh hẹp khe khớp gối hoặc khe khớp gối không đều
  • Đặc xương dưới sụn

Các yếu tố nguy cơ trong thoái hóa khớp gối

  • Tuổi tác
  • Béo phì
  • Chấn thương, gãy xương vùng khớp gối
  • Nghề nghiệp như lao động quá nặng, dùng lực chân với cường độ cao liên tục và quá sức.

Chẩn đoán

Tiêu chuẩn chẩn đoán thoái hoá khớp gối theo ACR 1991

Screen_Shot_2020-09-26_at_14.25.41

 

Điều trị

Điều trị không dùng thuốc 

  • Giáo dục bệnh nhân về tập thể dục tăng cường cơ bắp, ưu tiên các bài tập giảm lực đè lên khớp gối, tránh té ngã khi di chuyển (đi nạng, có khung tập đi hỗ trợ…)
  • Giảm cân
  • Thể thao phù hợp như bơi lội, tập gym…
  • Chế độ dinh dưỡng phù hợp: giảm bớt năng lượng từ tinh bột đường, ít dầu mỡ, tăng cường rau củ quả, trái cây, tránh bia rượu…

Điều trị dùng thuốc 

  • Các thuốc như Glucosamine, Chondroitin, Diacerein là những thuốc có tác dụng làm chậm tiến trình thoái hoá khớp
  • Omega ức chế quá trình viêm của khớp, giúp hồi phục tính toàn vẹn trong cấu tạo và chức năng của khớp
  • Tiêm nội khớp như là corticosteroids, Axit Hyaluronic, huyết tương giàu tiểu cầu….

Điều trị phẫu thuật 

  • Nội soi: cắt lọc, mài gai xương, lấy sạn khớp, tái tạo dây chằng, khâu sụn chêm…
  • Thay khớp gối trong các trường hợp thoái hóa khớp gối quá nặng.

Nguồn: Bs CKII Võ Hòa Khánh
Bệnh viện Chấn Thương Chỉnh Hình TPHCM
TAG:
Ý kiến của bạn