THÔNG TIN TRUYỀN THÔNG THÁNG 04/2024

14:35, 04/04/2024

 

THÔNG TIN TRUYỀN THÔNG THÁNG 4 NĂM 2024

  1. TRUYỀN THÔNG CHÍNH SÁCH TRONG LĨNH VỰC Y TẾ
  1. Nghị định số 117/2020/NĐ-CP của Chính phủ ngày 28/9/2020 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. Nghị định quy định rõ các hình thức xử phạt vi phạm hành chính và biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng vi phạm. Điểm mới của nghị định là tăng mức phạt đối với một số hành vi vi phạm để đảm bảo tính răn đe (đặc biệt là các quy định liên quan đến phòng, chống dịch bệnh COVID-19, khám bệnh, chữa bệnh, bảo hiểm y tế…); Bổ sung một số hành vi vi phạm mới trong các lĩnh vực như: hành vi vi phạm về phòng, chống tác hại của rượu, bia, dược, trang thiết bị y tế; Bổ sung thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của một số chức danh: Lực lượng công an, cơ quan bảo hiểm xã hội. Ngoài ra, nghị định quy định các cơ quan, người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính được sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính về địa điểm cấm hút thuốc lá, phòng, chống tác hại của rượu bia.
  2. Quyết định số 1294/QĐ-BYT của Bộ Y tế ngày 19/5/2022 về việc Ban hành kế hoạch hành động thực hiện chiến lược quốc gia về dinh dưỡng đến năm 2025. Theo quyết định, định kỳ hằng năm tổ chức các chiến dịch truyền thông: Ngày Vi chất dinh dưỡng (01/6 và 01/12), Tuần lễ thế giới Nuôi con bằng sữa mẹ (01-07/8), Tuần lễ Dinh dưỡng và Phát triển (16-23/10). Tham gia hưởng ứng các chiến dịch truyền thông có liên quan trong các ngày sức khỏe và phòng bệnh như: Ngày béo phì thế giới 04/3, Ngày Sức khỏe thế giới 07/4, Ngày thế giới phòng chống tăng huyết áp 17/5, Ngày đái tháo đường thế giới 14/11.
  3. Kế hoạch số 2689/KH-UBND của Ủy ban nhân dân TP.HCM ngày 03/8/2022 về Triển khai thực hiện chương trình chăm sóc và nâng cao sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp giai đoạn 2022-2030 trên địa bàn thành phố. Theo kế hoạch, nhiệm vụ trọng tâm về truyền thông cần đẩy mạnh các hoạt động thông tin, truyền thông nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động của chính quyền các cấp, các ngành, đoàn thể, đội ngũ cán bộ làm công tác an toàn vệ sinh lao động, người sử dụng lao động, người lao động và các cơ sở, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố, đặc biệt là người lao động khu vực không có quan hệ lao động. Tổ chức các hoạt động truyền thông phù hợp, có sức lan tỏa trong tháng hành động an toàn, vệ sinh lao động; Tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật cải thiện điều kiện làm việc, phòng ngừa tai nạn lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp, tiến tới thực hiện tốt công tác an toàn, vệ sinh lao động và xây dựng văn hóa an toàn trong doanh nghiệp;
  4. Luật khám chữa bệnh số 15/2023/QH15 ngày 09/1/2023 của Quốc hội
  5. Công văn số 8284/SYT-NVY ngày 29 tháng 9 năm 2023 của Sở Y tế TP.HCM về việc tăng cường phòng, chống bệnh Đậu mùa khỉ (Mpox). Trong đó, tăng cường công tác giám sát, phòng, chống bệnh Đậu mùa khỉ trên địa bàn Thành phố theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Bên cạnh đó, thực hiện truyền thông bằng nhiều hình thức cho cộng đồng và truyền thông tại các cơ sở y tế, phòng khám trong và ngoài công lập về bệnh Đậu mùa khỉ, đặc biệt đối với các nhóm có nguy cơ lây nhiễm cao. Về phòng, chống bệnh ho gà và sởi: Thông tin về đối tượng có nguy cơ mắc bệnh, đường lây truyền, dấu hiệu bệnh, dấu hiệu bệnh chuyển nặng cần đến ngay cơ sở y tế, biến chứng của bệnh, các biện pháp dự phòng chung, phòng bệnh chủ động đặc hiệu, tiêm vắc-xin phòng bệnh ho gà và sởi: lịch tiêm, đối tượng tiêm, địa điểm tiêm, sự an toàn và hiệu quả của vắc-xin; không tự ý điều trị tại nhà.
  6. Công văn 2674/SYT-NVY ngày 01/4/2024 của Sở Y tế về việc tổ chức hoạt động kỷ niệm ngày Người khuyết tật Việt Nam (18/4) năm 2024. Trong đó Sở Y tế đề nghị các đơn vị: các cơ sở khám chữa bệnh tiếp tục thực hiện nghiêm túc quy định về ưu tiên trong khám, chữa bệnh cho người khuyết tật; Trung tâm Y tế tăng cường công tác quản lý người khuyết tật tại địa phương nhằm phát hiện kịp thời nhu cầu phục hồi chức năng, can thiệp chỉnh hình và những nhu cầu chăm sóc sức khỏe khác của người khuyết tật, triển khai hoạt động tư vấn và phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng.
  7. Công văn số 178/GDSKTW của Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe Trung ương ngày 29/3/2024 về việc tăng cường công tác truyền thông về phòng, chống bệnh ho gà, sởi và sốt xuất huyết mùa Xuân-Hè 2024. Trong công văn,
  8. Tiếp tục tuyên truyền Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá, Luật Bảo hiểm y tế, Luật Khám chữa bệnh;
  9. Tiếp tục tuyên truyền Quyết định số 2151/QĐ-BYT của Bộ Y tế về việc “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh”;
  10. Tiếp tục công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe (TT-GDSK) về “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, phản ánh kịp thời các gương người tốt, việc tốt, các đơn vị có những thành tích xuất sắc trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.
  1. TRUYỀN THÔNG PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH
  1. Truyền thông về bệnh sởi:

Đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch bệnh, giảm thiểu nguy cơ bùng phát dịch sởi trong thời gian tới cần thực hiện:

1. Tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh sởi tại cộng đồng và các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; triển khai các biện pháp xử lý triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện trường hợp mắc bệnh.

2. Tiếp tục triển khai công tác tiêm chủng thường xuyên hàng tháng cho các đổi tượng thuộc Chương trình TCMR, trong đó có tiêm vắc xin Sởi cho trẻ 9 tháng tuổi và vắc xin Sởi - Rubella cho trẻ 18 tháng tuổi; Rà soát, tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho những đối tượng thuộc Chương trình TCMR chưa được tiêm vắc; xin phòng bệnh Sởi, đặc biệt chú ý đến vùng lõm tiêm chủng.

3. Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về nguy cơ mắc bệnh sởi và các biện pháp phòng chống, vận động người dân đưa con em đi tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch các vắc xin trong Chương trình TCMR để chủ động phòng chống các bệnh truyền nhiễm có vắc xin phòng bệnh.  

  1. Truyền thông về bệnh cúm gia cầm:

Để chủ động phòng, chống dịch cúm A(H5N1), A(H5N9) lây từ gia cầm sang người, cần thực hiện tốt các biện pháp sau:

1. Không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc.

2.Hạn chế tiếp xúc, giết mổ, ăn các loại động vật hoang dã, đặc biệt là chim.

3. Không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc.

4. Khi phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không được giết mổ, sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn.

5. Ăn chín, uống chín; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn.

6. Khi có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế.

  1. Truyền thông về bệnh dại:

- Các quy định chính sách của Nhà nước về phòng chống bệnh Dại; quy định về nuôi chó, trách nhiệm của người nuôi chó và quản lý chó nuôi tại cộng đồng; công tác tiêm phòng bệnh Dại…

- Nâng cao nhận thức cộng đồng về tính chất nguy hiểm của bệnh Dại và các biện pháp phòng chống bệnh Dại ở người.

- Với người nuôi chó mèo cần thực hiện nghiêm việc khai báo với chính quyền địa phương, tiêm phòng bệnh Dại cho chó, mèo theo quy định của cơ quan Thú y.

- Thực hiện nuôi, nhốt, xích hoặc giữ chó trong khuôn viên gia đình, không thả rông nhất là ở các khu đô thị, nơi đông dân cư.

- Khi cho chó ra đường phải có dây dẫn, rọ mõm đề phòng cắn người và gây tai nạn giao thông; đồng thời phải bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y, không gây ồn ào, mất vệ sinh ảnh hưởng xấu tới những người xung quanh.

- Trong trường hợp người bị chó, mèo cắn cần xử lý y tế ban đầu ngay sau khi bị cắn và đến các cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị dự phòng kịp thời.

- Không sử dụng thuốc đông y (thuốc nam, thuốc bắc) hoặc các thuốc khác  không theo quy định của ngành y tế.

  1. TRUYỀN THÔNG HƯỞNG ỨNG CÁC NGÀY SỨC KHỎE TRONG THÁNG
  1. Ngày thế giới nhận thức Tự kỷ - World Autism Awareness Day (02/4/2024)

Chủ đề của Ngày thế giới nhận thức Tự kỷ năm 2024 là: Chuyển từ sống sót sang phát triển - Moving from Surviving to Thriving”.

Lễ kỷ niệm năm 2024 sẽ tìm cách cung cấp một cái nhìn tổng quan thực sự mang tính toàn cầu về tình hình liên quan đến các vấn đề từ quan điểm của chính những người mắc chứng tự kỷ. Giống như năm ngoái, sự kiện này sẽ có sự góp mặt của các tham luận viên mắc chứng tự kỷ thuộc mọi tầng lớp xã hội, đại diện cho sáu khu vực: Châu Phi, Châu Á và Thái Bình Dương, Châu Âu, Châu Mỹ Latinh và Caribe, Bắc Mỹ và Châu Đại Dương. Các diễn giả sẽ đưa ra suy nghĩ của mình về tình hình thực tế ở các khu vực tương ứng của họ, cũng như tầm quan trọng của việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) để người tự kỷ có thể phát triển.

  1. Ngày Sức khỏe thế giới – World Health day (07/04/2024)

Chủ đề của Ngày Sức khỏe thế giới năm 2024 là “Sức khỏe của tôi, quyền của tôi - My health, my right”.

Trên khắp thế giới, quyền về sức khỏe của hàng triệu người đang ngày càng bị đe dọa. Bệnh tật và thiên tai thường là nguyên nhân gây tử vong và tàn tật. Xung đột đang tàn phá cuộc sống, gây ra cái chết, đau đớn, đói khát và đau khổ về tâm lý.

Việc đốt nhiên liệu hóa thạch đang đồng thời gây ra khủng hoảng khí hậu và tước đi quyền được hít thở không khí trong lành của chúng ta, với tình trạng ô nhiễm không khí trong nhà và ngoài trời cứ 5 giây lại cướp đi một sinh mạng.

WHO đã phát hiện ra rằng ít nhất 140 quốc gia công nhận sức khỏe là quyền con người trong hiến pháp của họ. Tuy nhiên, các quốc gia vẫn chưa thông qua và đưa vào thực thi luật để đảm bảo người dân của họ được quyền tiếp cận các dịch vụ y tế. Điều này củng cố thực tế là ít nhất 4,5 tỷ người - hơn một nửa dân số thế giới - không được cung cấp đầy đủ các dịch vụ y tế thiết yếu vào năm 2021.

Để giải quyết những thách thức này, chủ đề năm nay được chọn để bảo vệ quyền của mọi người, ở mọi nơi được tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục và thông tin có chất lượng, cũng như nước uống an toàn, không khí sạch, dinh dưỡng tốt, nhà ở chất lượng, điều kiện môi trường làm việc tốt và tự do khỏi sự phân biệt đối xử.

  1. Ngày Toàn dân hiến máu tình nguyện (07/04/2024)

Hưởng ứng “Ngày toàn dân hiến máu tình nguyện” - 07/4, tiếp tục nâng cao chất lượng trong công tác tuyên truyền, vận động và tổ chức hiến máu. Đa dạng các loại hình truyền thông, vận động hiến máu; quan tâm, chú trọng công tác thi đua, khen thưởng, động viên khích lệ người hiến máu, đơn vị tổ chức hiến máu, lan tỏa những tấm gương hiến máu tiêu biểu trong cộng đồng. Đẩy mạnh vận động người hiến máu nhắc lại, hiến máu thường xuyên, hiến máu thể tích từ 350ml trở lên. Đổi mới phương pháp quản lý, phát triển các câu lạc bộ, đội, nhóm về hiến máu, vận động hiến máu…

  1. Ngày người khuyết tật Việt Nam (18/4/2024):

Hưởng ứng ngày người khuyết tật Việt Nam – 18/4, các đơn vị tổ chức đẩy mạnh hoạt động chăm sóc sức khỏe cho người khuyết tật: các cơ sở khám chữa bệnh tiếp tục thực hiện nghiêm túc quy định về ưu tiên trong khám, chữa bệnh cho người khuyết tật; Trung tâm Y tế tăng cường công tác quản lý người khuyết tật tại địa phương nhằm phát hiện kịp thời nhu cầu phục hồi chức năng, can thiệp chỉnh hình và những nhu cầu chăm sóc sức khỏe khác của người khuyết tật, triển khai hoạt động tư vấn và phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng.

  1. Tuần lễ Tiêm chủng thế giới – World Immunization Week (từ 24 – 30/04/2024)

Tuần lễ Tiêm chủng Thế giới, được tổ chức vào tuần cuối cùng của tháng 4, nhằm mục đích nêu bật hành động tập thể cần thiết để bảo vệ con người khỏi các bệnh có thể phòng ngừa được bằng vắc xin.

Mục tiêu của Tuần lễ Tiêm chủng Thế giới là để nhiều trẻ em, người lớn và cộng đồng được bảo vệ khỏi các bệnh có thể phòng ngừa được bằng vắc xin, giúp họ sống cuộc sống hạnh phúc hơn, khỏe mạnh hơn. 

Tuần lễ Tiêm chủng Thế giới năm nay sẽ kỷ niệm 50 năm Chương trình tiêm chủng mở rộng (EPI) với chủ đề “Khả năng của con người” (Humanly Possible) . Dựa trên nỗ lực thanh toán bệnh đậu mùa, EPI được khởi xướng với mục tiêu cung cấp khả năng tiếp cận phổ cập các loại vắc xin cứu sống trẻ em trên toàn thế giới. Chương trình này nhằm bảo vệ các cá nhân ở mọi lứa tuổi thông qua các nỗ lực tiêm chủng toàn diện. Ngày nay, mọi quốc gia đều có chương trình tiêm chủng quốc gia và vắc xin được công nhận rộng rãi là một trong những biện pháp can thiệp y tế công cộng an toàn nhất, hiệu quả nhất và thành công nhất nhằm ngăn ngừa tử vong và nâng cao chất lượng cuộc sống.

  1. Ngày Thế giới phòng chống bệnh sốt rét – World Malaria day (25/04/2024)

Chủ đề của Ngày Thế giới phòng chống bệnh sốt rét năm 2024 là “Bình đẳng sức khỏe, giới tính và nhân quyền”  (Health Equity, Gender and Human Rights)

Chủ đề này nhằm nâng cao nhận thức về cuộc chiến chống lại bệnh sốt rét cho những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi căn bệnh này, chẳng hạn như phụ nữ mang thai. Đồng thời nêu bật nhiều thách thức mà cộng đồng phải đối mặt ở những vùng lưu hành bệnh sốt rét, chẳng hạn như tiếp cận các dịch vụ y tế và các mối đe dọa mới nổi do biến đổi khí hậu gây ra.

  1. Tháng Hành động vì an toàn thực phẩm (từ 15/04 – 15/05/2024)

Chủ đề Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2024 là: “Tiếp tục bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới”. Các hoạt động truyền thông gồm:

- Truyền thông ở địa phương phổ biến quy định pháp luật an toàn thực phẩm, tham gia chiến dịch truyền thông về bảo đảm an toàn thực phẩm, biểu dương, quảng bá các sản phẩm, các mô hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn, phù hợp tình hình thực tế trên địa bàn.

- Ban Chỉ đạo liên ngành an toàn thực phẩm các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các sở, ban ngành, tổ chức chính trị - xã hội triển khai tuyên truyền về an toàn thực phẩm.

- Huy động hệ thống loa truyền thanh thị trấn/phường/xã tham gia tuyên truyền chính sách, pháp luật, kiến thức về an toàn thực phẩm đồng thời cảnh báo đến người tiêu dùng những tổ chức cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm vi phạm các quy định của pháp luật.

- Tăng cường tuyên truyền, phổ biến các mô hình sản xuất, kinh doanh, các sản phẩm, chuỗi thực phẩm an toàn, các sản phẩm truyền thống của địa phương nhằm quảng bá, khích lệ sản xuất sản phẩm thực phẩm an toàn, mang đậm nét truyền thống, đặc sản địa phương...

- Công khai các cơ sở, cá nhân bị phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm nhằm cảnh cáo, răn đe, ngăn chặn các hành vi sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm trái pháp luật.

  1. CÁC NỘI DUNG TRUYỀN THÔNG KHÁC:

1. Truyền thông về biến đổi khí hậu và bảo vệ sức khỏe trước biến đổi khí hậu:

* Phòng ngừa các bệnh do nắng nóng thế nào?

+ Uống đủ nước: Nên uống thành nhiều lần trong ngày, không nên uống quá nhiều nước trong một lần.

+ Hạn chế tiếp xúc với nắng nóng: Tránh ra ngoài trời trong khoảng thời gian từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều. Khi phải ra ngoài, hãy che chắn cơ thể khỏi ánh nắng bằng cách đeo khẩu trang, váy chống nắng, áo khoác dài tay, găng tay và vớ chân. Chọn những chất liệu vải thông thoáng và dễ thấm hút mồ hôi.

+ Nghỉ ngơi và thích nghi với nhiệt độ: Nếu bạn đang ở trong phòng điều hòa, hãy tạo khoảng thời gian để cơ thể thích nghi với môi trường bên ngoài trước khi ra ngoài trời.

+ Ăn uống hợp lý: Tăng cường ăn rau xanh và hoa quả, có món canh trong bữa ăn hàng ngày. Đặc biệt, hãy uống đủ nước và tránh uống quá nhiều cà phê hoặc đồ uống có cồn.

+ Rèn luyện thân thể và tăng cường sức đề kháng: Thường xuyên tập thể dục để cơ thể luôn khỏe mạnh

* Lời khuyên với những người phải làm việc trong thời tiết nắng nóng:

+Bố trí thời gian làm việc: Hãy làm việc vào những lúc trời mát nhất trong ngày, chẳng hạn vào sáng sớm hoặc chiều muộn. Hạn chế làm việc trong môi trường nhiệt độ cao.

+ Nghỉ ngơi định kỳ: Sau khoảng 45 phút đến 1 giờ làm việc, hãy nghỉ ngơi ở nơi thoáng mát trong 5-10 phút.

+ Bảo vệ cơ thể khỏi ánh nắng: Hạn chế tiếp xúc với ánh nắng, đặc biệt là vùng vai gáy. Sử dụng phương tiện bảo hộ cá nhân như mũ, nón, kính và quần áo bảo hộ lao động. Mặc quần áo rộng, thoáng mát và thấm hút mồ hôi. Có thể sử dụng kem chống nắng để bảo vệ da.

+ Uống đủ nước: Uống nước đều đặn trong suốt thời gian làm việc. Đặc biệt, cần uống thêm các loại nước có bổ sung muối và khoáng chất như Oresol đối với những người mất nhiều mồ hôi. Đặc biệt không sử dụng các loại đồ uống có cồn

+ Làm thoáng mát nơi làm việc: Sử dụng mái che, tấm phản chiếu nhiệt, vật liệu cách nhiệt, hệ thống phun nước, phun sương, lắp đặt hệ thống điều hòa và quạt thông gió.

+ Dinh dưỡng đầy đủ: Cung cấp đủ chất dinh dưỡng, vitamin và khoáng chất. Ăn đủ loại thực phẩm như cá, thịt, trứng, rau và trái cây để tăng cường sức đề kháng. Tránh các đường hấp thu nhanh như nước ngọt, bánh kẹo…


Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TpHCM
TAG:
Ý kiến của bạn

Giới hạn tin theo ngày :